Hội nghị tập huấn xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra

Trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang đứng trước sức ép cần phải đổi mới cơ bản và toàn diện để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và có đủ khả năng hội nhập với nền giáo dục nghề nghiệp khu vực Đông Nam Á, việc xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiên tiến, chất lượng cao đạt chuẩn khu vực và quốc tế là nhiệm vụ bắt buộc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vì thế việc hoàn thiện, đánh giá chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội được xem là một trong những kế hoạch chiến lược phát triển chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng Dược Hà Nội.

Sáng ngày 22/07/2023, để chuẩn bị tốt nội dung và nâng cao nghiệp vụ về việc: “Xây dựng chương trình đào tạo và mở mã ngành đào tạo mới”, nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên về tầm quan trọng của việc đổi mới chương trình đào tạo, đồng thời nâng cao năng lực xây dựng và rà soát chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của Bộ trưởng, Trường Cao đẳng Dược Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn công tác Xây dựng chương trình đào tạo cho toàn thể cán bộ, giảng viên trong toàn trường. Ths. Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng, Vụ đào tạo chính quy-Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội dự và chủ trì hội nghị.

       Ths. Đường Xuân Tùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Hà Nội phát biểu trong hội thảo. ( Nguồn: Trung tâm truyền thông & Quan hệ doanh nghiệp)

Cùng chủ trì có Ban Giám hiệu Nhà trường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Dược Hà Nội: Ths. Đường Xuân Tùng và Phó hiệu trưởng Ths. Nguyễn Thế Lực. Dự Hội nghị có lãnh đạo các phòng ban Nhà trường cũng như toàn thể cán bộ, giảng viên trong toàn Trường.

 Hội nghị được tổ chức nhằm phổ biến quy định thông tư 03/2017/BLĐTBXH về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; Tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; Thông tư số 04/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Quy định việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ.

Ths. Đỗ Văn Giang đang tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ, giảng viên trường Cao đẳng Dược Hà Nội. ( Ảnh: Trung tâm truyền thông & Quan hệ doanh nghiệp)

 

Hội nghị đã được phổ biến những yêu cầu về chương trình đào tạo, cấu trúc của chương trình đào tạo. Theo đó, các cán bộ giảng viên đã được hướng dẫn cụ thể các nội dung cần thiết để xây dựng CTĐT trình độ cao đẳng, gồm: xây dựng mục tiêu đào tạo; xây dựng chuẩn đầu ra của CTĐT cũng như các nội dung về hội đồng thẩm định chương trình đào tạo, viết cấu trúc và nội dung CTĐT. Trên cơ sở đó, hội nghị đã thảo luận về kế hoạch phân công triển khai cập nhật/xây dựng CTĐT trình độ cao đẳng. Đồng thời, hướng dẫn tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình đào tạo theo quy định.

Theo quy định về khối lượng và cấu trúc chương trình đào tạo trình độ cao đẳng hiện nay, khối lượng của CTĐT trình độ cao đẳng là từ 2 đến 3 năm học và phải đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu theo từng ngành, nghề đào tạo là 60 tín chỉ. Trong đó, lý thuyết chiếm từ 30% - 50%; thực hành, thực tập, thí nghiệm từ 50% - 70%. Nội dung phải đảm bảo quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo từng ngành, nghề đào tạo. Thông qua Hội nghị, phòng Đào tạo Nhà trường tham mưu và đề xuất Hiệu trưởng tổ chức triển khai xây dựng và vận hành CTĐT phù hợp với khung cơ cấụ, khối lượng kiến thức, thời gian và định hướng đào tạo. Các khoa quản lý ngành đào tạo thực hiện xây dựng, rà soát và cập nhật chương trình đào tạo đáp ứng quy định.

Hội nghị tập huấn có ý nghĩa thiết thực đối với Trường Cao đẳng Dược Hà Nội nói chung và mỗi cán bộ, giảng viên nói riêng. Qua hội nghị tập huấn này, cán bộ, giảng viên sẽ có thêm những hiểu biết, kỹ năng để xây dựng chương trình đào tạo chuyên nghiệp hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó, góp phần kiến tạo và nâng cao vị thế của Nhà trường trong các khối ngành đào tạo lĩnh vực Y Dược trên cả nước hiện nay.

Trung tâm truyền thông & Quan hệ doanh nghiệp

Bài viết cùng danh mục